Kính bạch Sư Phụ,
Trong vài tuần vừa qua, dân chúng tại Philippines và tại miền trung của Việt Nam đã phải trải qua sự phá tác kinh khủng của cơn bão Haiyan. Số người bị thương rất đáng kể; hàng hàng lớp lớp người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhà cửa bị đổ nát hoặc bị nước cuốn trôi đi. Cảnh tượng thật thương tâm, không bút mực nào tả xiết!
Vậy, tại sao có biến động? Nó từ đâu mà có? Và sự phá họai, sự hoành hành của biến động dựa trên một cái gì?
Con ơi, để giải thích về những biến động liên tục xảy ra trên toàn thế giới, Thầy phải nhắc lại một lần nữa hai chữ Nghiệp Lực! Nghiệp lực nơi đây là nghiệp lực của một quốc gia, của một dân tộc. Nhưng nghiệp lực đó từ đâu mà có? Chính là từ ở nghiệp lực của từng chúng sanh của quốc gia đó, của dân tộc đó.

Kính bạch Sư Phụ,
Người ta thường nói: tu tập để cho tiêu nghiệp ... nhưng bằng cách nào để tiêu được nghiệp?
Người tu tập phải hiểu một cách tường tận về vòng chu kỳ của nghiệp lực thì mới có thể áp dụng vào đường đời lẫn đường đạo được. Nếu không làm đúng điều đó, việc tu tập sẽ khó đem đến kết quả như ý muốn.
Tu chân chính là luôn kiểm Tâm, Ý, Tánh. Tâm lúc nào cũng phẳng lặng, Ý không vọng động, Tánh không khởi lên, thì nghiệp chướng sẽ khó lòng trỗi dậy để quấy phá.

Con nên biết rằng hợp rồi tan, tan rồi hợp, đó là lẽ vô thường! Điều quan trọng là giữ tâm bình - tâm thanh tịnh. Cái gì có đến, rồi sẽ có đi. Đến rồi đi, đi rồi đến, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Mỗi người có nghiệp chướng riêng của họ, không ai có thể gánh vác cho ai được cả.
Cho nên, phải biết đổi sự buồn đau thành nghị lực. Dùng sự buồn đau làm phương tiện thúc đẩy mình đi đến mục đích mà mình mong muốn. Niềm đau đớn không ích lợi chi cả, chỉ làm tổn đến thân.
Nên nhớ rằng, một giây đi qua, một phút đi qua, một giờ đi qua, một ngày đi qua, tất cả những thời gian đó nếu được sử dụng vào trong những điều lợi ích vẫn đem đến cho mình một niềm vui.

Kính bạch Sư Phụ,
Nếu một người biết tu tập, tự thấy rằng mình đang bước vào một nghiệp chướng rất sâu dầy, thì người đó phải làm cách nào để chiến đấu với nghiệp chướng của họ?
Thầy đã nhấn mạnh rất nhiều lần đến vòng nghiệp lực. Phải biết rõ vòng nghiệp lực thì mới phá vòng nghiệp lực được. Không hiểu rõ được nó thì khó lòng phá nó được.
Thật sự ra, đối diện với nghiệp lực cũng không có gì là khó khăn. Chiến đấu với nghiệp lực cũng không phải là một điều khó thực hiện. Nhận chân ra nghiệp lực tức là biết nó đến! Biết được sự mất dạng của nó tức là biết nó đi! Biết được nó đến hay đi, chính là nhờ ở tâm phẳng lặng.

Kính bạch Sư Phụ,
Nếu hai người không hòa thuận với nhau mà sau này lại gặp gỡ nhau ở Cực Lạc thì sẽ như thế nào?
Con ơi, những tư tưởng đó là những tư tưởng Phàm, không phải là tư tưởng Thánh! Một khi đã gặp nhau ở một nơi mà Tâm cũng không còn, Ý cũng không còn, Tánh cũng không còn, thì lấy gì để mà so đo cao thấp!!
