• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Thế Nào Là Tỉnh Thức

May 11 2025
2479380717 2479380717

Ngày nay, người đời thường nhắc nhau về sự tỉnh thức, xem đó như một điều quan trọng trong đời sống. Họ khuyên nhau phải tỉnh thức, làm mọi việc trong sự tỉnh thức. Thế nhưng, dù nói nhiều về tỉnh thức, mấy ai thực sự hiểu tỉnh thức là gì, làm thế nào để đạt được, và quan trọng hơn cả, phải rèn luyện tỉnh thức ra sao? Phần đông chỉ hời hợt tiếp cận, nhìn người khác làm sao thì mình làm vậy, xem như có được danh xưng "tỉnh thức" để tự đắc khoe khoang với mọi người là đủ.

Chữ Tỉnh nơi đây không có nghĩa là tỉnh ngủ hay ngái ngủ hay say ngủ, mà là tỉnh táo. Nhiều người con mắt thì mở trừng trừng, nhưng mà thiếu sự tỉnh táo, cho nên vẫn đi lọt bẫy một cách dễ dàng. Thức là hình thức của con mắt mở ra, và sử dụng nhãn căn để dòm tất cả mọi sự vật, sự việc, sự kiện chung quanh mình, nhưng mà với một trạng thái tỉnh táo.

Trạng thái tỉnh táo đó chính là nhãn thức của nhãn căn. Nếu bây giờ nhìn thấy một vật ở trước mặt mình, nhưng mà không có cái thức đi kèm, thì cái thấy đó có thực sự là thấy không? Không. Là bởi vì không biết là mình thấy cái gì, tên của nó là gì, cái đó ra làm sao. Chỉ nhìn thấy vậy thôi.

Tỉnh thức có nghĩa là hành động của một con người không nhắm mắt, mà mở mắt. Tất cả ngũ quan đều mở ra. Mắt cũng mở, tai cũng mở, mũi cũng mở, miệng cũng mở, lưỡi cũng mở. Tất cả đều mở để nhìn, để biết được những cái gì ở chung quanh mình, để phân định rõ ràng: "Tôi thấy cái bàn, trên cái bàn đó có một bình hoa, cái hoa đó là hoa hồng cộng thêm với vài cái lá, chưng ở trong một cái bình có nước ở trong đó."

Mối Liên Quan Giữa Tỉnh Thức, Tâm Thức và Ý Thức

Tất cả những gì mình thấy biết ở chung quanh mình thì đó mới chỉ là thấy biết một cái món đồ ở trước mặt mình, nhưng nếu mình không tỉnh táo thì mình không phân định được rõ ràng. Cho nên những cái gì tôi thấy, hoặc tôi nghe, hoặc tôi ngửi, hoặc tôi sờ mó bắt buộc phải với một sự tỉnh táo, và sự tỉnh táo đó được thể hiện bằng các Thức. Gồm có nhãn thức nếu tôi thấy, nếu tôi nhìn. Gồm có nhĩ thức, nếu tôi muốn nghe. Gồm có tỉ thức, nếu tôi muốn ngửi. Gồm có thiệt thức nếu tôi nếm. Và sau đó là cái xúc giác.

Vì vậy trong vấn đề nhìn và nhận thức được những cái sự vật, sự kiện ở chung quanh mình đều bắt buộc phải đi kèm với các Thức, mà "trái tim" của các thức chính là Tâm Thức. Vì vậy mà phải dùng tâm thức để nhận định rõ tất cả mọi vấn đề.

Khi giải thích một cách cặn kẽ thì sẽ thấy rằng tỉnh thức đó là cái việc sử dụng Ý thức của mình bằng tất cả sự tỉnh táo. Mà bằng tất cả sự tỉnh táo là bằng cái gì? Tức là tôi phải bỏ cái Ý của tôi vào ở trong tất cả những điều tôi thấy, tôi nghe, tôi biết.

Các thức luôn luôn đi kèm với cái Ý. Mà cái Ý thì không bao giờ xa lìa với cái Tâm. Nó đã không xa lìa với cái tâm thì tất cả mọi việc từ sự vật, sự việc, sự kiện, đều phải để cái tâm, cái ý, cái thức của mình vào ở trong đó. Do đó, từ lời nói, cho đến cử chỉ, cho đến cái nhìn, cái liếc, cái gật đầu, cái lắc đầu cũng đều có liên quan chặt chẽ với nhau ở trong các thức.

Tỉnh Thức Chính Là Để Tâm, Để Ý, Để Tánh

Khi người ta nói đến chữ tỉnh thức là phải hiểu ngay rằng đó là phải để tâm, để ý vào ở trong tất cả mọi sự việc, sự vật, sự kiện. Làm việc mà thiếu tâm, thiếu ý, thiếu ý thức thì sẽ không đi đến đâu cả.

Cho nên kêu gọi tỉnh thức là kêu gọi một sự để ý rất là nhiều. Nó có liên quan rất nhiều đến "để tâm", "để ý". Làm việc mà thiếu sự Để Tâm thì gọi là tắc trách, không có kỹ lưỡng, lếu láo làm cho xong việc. Cho nên việc để tâm, để ý là một điều vô cùng quan trọng.

Trong mọi việc từ đời cho đến đạo, thiếu sự để tâm, thiếu sự để ý, thì mọi chuyện có thể thành tựu, nhưng không thành tựu theo đúng ý của mình muốn. Mà đó chỉ gọi là làm cho lấy có vậy thôi, chứ không sắc sảo, không chu đáo.

Muốn đi đến sự để tâm, sự để ý, thì cần đến những gì? Cần đến tánh tỉ mỉ. Cần đến tánh kỹ lưỡng. Cần đến tánh trì chí. Cần đến tánh nhẫn nại. Cần đến một sự ôn hòa. Một người mà làm việc với một sự sân hận, với một cái tánh hay càu nhàu, công việc của người đó có thể thành tựu tốt đẹp được không? Nhất là trong cái vấn đề cần đến sự tỉ mỉ, ví dụ như điêu khắc, thêu thùa, may vá.

Cho nên, muốn thực hành tỉnh thức thì phải Để Tâm, Để Ý và Để Tánh.

Hiểu Sai Về Tỉnh Thức Và Thiền Định

Người ta nói đến tỉnh thức, đó chỉ là một cải tiếng có tính cách như là triết học. Người nghe thoáng nghe qua sẽ thấy nó có một vẻ gì cao siêu, đượm đầy tính chất thiền. Con người kém kiến thức thì nghe lùng bùng lỗ tai, không biết cái gì mà có tỉnh với thức ở trong đó? Không lẽ người ta nói đến cái việc ngủ, mê ngủ và tỉnh ngủ? Nó không phải như vậy. Mà đúng ra phải nói là sự để tâm, để ý, và để tánh. Ba điều đó nó phải đi chung với nhau, để nó mới có thể tạo nên một sự tốt đẹp trong công việc, từ một hành động vô cùng nhỏ nhặt, cho đến một hành động lớn lao hơn.

Khi người đời giảng nghĩa về tỉnh thức, họ thường hay khuyên rằng là ngồi cho thật thoải mái, để tâm lắng đọng xuống, rồi để ý chuyện hô hấp của mình. Nhưng họ quên rằng đúng nghĩa của cái tỉnh thức là bắt buộc phải quán chiếu. Họ để ý đến chuyện hô hấp để làm gì? Là để giữ cái tâm bình có phải vậy không? Với cách thức như vậy họ sẽ giữ được tâm bình được bao lâu? Chỉ có thể trong thời gian họ ngồi thiền mà thôi. Rồi khi xả thiền thì đâu vào đó, cũng trở lại loạn xạ.

Người thời nay cứ nghĩ rằng tu tập là ngồi thiền và giữ cho cái tâm rỗng. Nhưng mà cái tâm rỗng nó là cái kết quả của sự thành tựu trong việc tu tâm sửa tánh. Người tu thiền cần phải biết suy tư và quán chiếu. Lẽ ra, khi ngồi thiền, là phải hướng tâm vào việc tự xét lại mình, quan sát xem trong một ngày qua, những thói quen nào cần sửa đổi, hay quán chiếu về nghiệp lực để sám hối, để thật sự rung động trước những nghiệp chướng mình đã gây tạo. Thế nhưng, thay vì thực hành như vậy, nhiều người ngày nay lại chạy theo một xu hướng khác, xem thiền như một phương pháp để đạt đến cái gọi là “tâm rỗng.” Đó cũng giống như việc dạy một đứa trẻ vừa mới học toán cộng, toán trừ mà lại bắt nó lĩnh hội về những con số ảo. Một khái niệm quá xa vời với trình độ của nó, làm sao nó có thể hiểu được? Chính vì vậy, họ mãi dậm chân tại chỗ. Tánh chưa sửa, nghiệp lực chưa sám hối, trí huệ chưa phát sáng, tâm chưa đạt được sự an bình, nhưng ai nấy đều cố gắng luyện cho mình một cái tâm rỗng. Thực ra, trạng thái tâm rỗng ấy chỉ có thể đạt được khi nghiệp lực đã tiêu trừ, thói quen xấu đã được chuyển hóa, trí huệ đã bừng sáng, và nội tâm đã an định. Nếu chưa đi qua những giai đoạn căn bản này, làm sao có thể đạt đến tâm rỗng thực sự? Chỉ khi thực sự quán chiếu, sám hối, sửa tánh, và phát triển trí huệ, thì tâm mới có thể đạt đến sự tĩnh lặng và thấu suốt chân thật.

Thuở Đức Bổn Sư còn tại thế, Ngài giảng Pháp suốt ngày, tận tâm truyền dạy với những ví dụ sinh động và những câu chuyện sâu sắc. Thế nhưng, người tu thời xưa đâu có được phước duyên như người ngày nay, tất cả lời giảng được ghi âm trọn vẹn. Khi ấy, họ chỉ có thể dựa vào trí nhớ, cố gắng vận dụng hết khả năng để ghi khắc từng lời dạy.

Chính vì vậy, vào cuối ngày, trước khi nghỉ ngơi, các bậc cao tăng đều ngồi thiền. Họ không chỉ đơn thuần nhập định, mà còn dùng thời gian ấy để ôn lại, để khắc sâu những gì đã được Đức Bổn Sư truyền giảng trong ngày. Nếu không quán chiếu và ghi nhớ, thì sau một giấc ngủ, những điều lãnh hội được có thể dần phai nhạt, tan biến như mây khói. Vì lẽ đó, thiền định khi xưa không phải chỉ để đạt đến sự tĩnh lặng, mà còn là phương thức giúp các vị kết tinh trí tuệ, lưu giữ Pháp vào tâm khảm, hun đúc sự hiểu biết chân thật.

Thế nhưng, dường như thời nay, nhiều người có cách nhìn lệch lạc, xem ngồi thiền là bước khởi đầu của con đường tu tập, là phương tiện dẫn đến giải thoát. Ít ai hiểu rằng thiền định còn là sự tư duy, là quá trình ôn lại, thấu triệt, và quán chiếu sâu sắc những điều đã học, để từng lời Pháp thấm vào tâm thức, trở thành ánh sáng soi đường trong hành trình tu tập.

Tỉnh Thức Trong Đời Sống Hàng Ngày

Trong sự giao tế hằng ngày, sự Để Tâm lúc nào cũng đi kèm với chữ lắng nghe. Không lắng nghe là sẽ không biết được người ta nói cái gì. Vì thiếu sự để tâm cho nên khi khách hàng nói: "Tôi mua 1 kg", mà bán thành 1.1 kg, 1.2 kg hoặc là còn lại có 800g, 700g và mang tiếng là cân thiếu cân non, mà thật sự ra người bán không có ý như vậy, nhưng vì thiếu sự để tâm cho nên không có lắng nghe.

Trong khi giao tế với đồng nghiệp, cần Để Ý không để thị phi xen vào vì sự giao tế giữa đồng nghiệp bị đứt đoạn chính là từ sự thị phi. Đồng nghiệp thì có rất nhiều, một ngày mình nghe chuyện người này, chuyện người kia, chuyện người nọ, mình nghe xong mình đi nói lại với người khác, người khác nghe xong đi nói lại với người khác nữa, thì như vậy thử hỏi khi mọi chuyện thấu tới tai của người đầu tiên nói cho mình nghe, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Trong trường hợp trên, khi nói đến tỉnh thức, đó là đề cập đến Nhĩ thức - sự tỉnh giác qua việc lắng nghe. Khi tai tiếp nhận âm thanh từ nhiều phía, ý thức liền khởi suy ngẫm về những gì vừa nghe được. Thế nhưng, nếu không rèn luyện tánh hỷ xả, thì thay vì giúp mình lắng nghe một cách sáng suốt, sự tỉnh thức này lại khiến mình để tâm quá nhiều đến những điều thị phi của thế gian. Giả sử như có ai đó nói lời không hay về mình, thì vừa nghe xong liền sinh tâm bất mãn. Vì thiếu hỷ xả nên không buông bỏ được, để cơn sân hận bùng lên, lòng đầy tức tối và ganh tị, từ đó càng tạo thêm xáo trộn trong nội tâm. Như vậy, trong trường hợp này, dù nhĩ thức và ý thức có tỉnh thức, nhưng sự tỉnh thức ấy lại không đi cùng với tánh hỷ xả, không song hành với những đức tính cao đẹp. Khi cái Tôi quá lớn, Tự Ái quá cao, không có sự giùi mài Tâm - Ý - Tánh thì thay vì tỉnh thức giúp ta minh mẫn và an nhiên, tỉnh thức lại trở thành mồi lửa khởi dậy những cơn sóng lòng cuộn trào không dứt.

Tỉnh Thức Trong Tu Tập

Tỉnh thức khi đọc Pháp tức là phải tư duy về nội dung của bài Pháp thì mới có hiểu được cái cốt tủy của bài Pháp muốn nói điều gì. Mà tư duy đó nằm ở trong chỗ nào? Nó nằm ở trong cái Ý. Tư duy có nghĩa là suy nghĩ tận cùng. Suy nghĩ tận cùng thì sẽ hiểu được rằng một vấn đề xảy ra có liên quan đến một cái Tánh này, hay có liên quan đến một cái Tâm kia. Lúc nào cũng vậy, tất cả mọi việc trên đời đều có một mối tương quan.

Một đứa nhỏ bổng ré lên khóc, không đơn thuần là tiếng khóc của đứa nhỏ, hay là giọt nước mắt của đứa nhỏ, mà nó kẹp với cái gì? Nó kẹp với một cái tánh. Có thể đó là tánh chọc phá của ai đó. Và nó kèm theo với một cái ý: "hôm nay tao phải chọc cho mày khóc một bữa cho mày biết." Tất cả mọi việc không có đơn độc mà đều có một sự tương quan với nhau. Không có tự nhiên mà một cái cây cho ra trái liền được. Mà cây đó phải mọc lá non, phải có ra nụ, ra hoa, rồi thì mới ra trái được.

Trong phép tu tập, vấn đề chánh yếu chính là SÁM HỐI. Có sám hối thì Nghiệp mới tiêu mòn, Thân Xác mới được An Bình, không bị khuấy phá, cuộc đời bớt đi sóng gió, và điều đáng nói nhất chính là sự thăng hoa của Thần Thức. Tỉnh thức khi sám hối sẽ giúp mình quán chiếu sâu sắc về cái quá khứ của mình (không chỉ hiện kiếp mà cả vô thỉ kiếp trong quá khứ). Cái quá khứ đó nó hiển hiện ở đâu? Nó hiển hiện trên những nghiệp lực của mình. Việc sám hối đúng nghĩa là phải làm sao xem coi cái nghiệp tội mà mình đang nhận chịu bây giờ nó thuộc về cái Tánh gì của mình? Rồi sau đó mình phải tư duy để xem coi cái tánh đó đã đưa ra những điều trái nghịch như thế nào? Và đồng thời cũng phải quán tưởng nó để xem coi cái cường độ mà cái tánh này vẫy vùng sẽ mang tới một sự tổn thất như thế nào cho người mà nó đối xử. Nhờ vậy mới khiến cho cái Tâm rung động! Tâm có rung động thì hình ảnh nghiệp lực trong tâm thức mới có thể bị rạn nứt, bức tường Vô Minh bị lung lay, bị nứt nẻ cho đến phá vỡ, có được như vậy thì cái kiếng Tâm mới có thể lấy lại cái tính chất trong suốt của nó, nhờ đó mà Trí Huệ mới phát sáng. Trí huệ có phát sáng thì sẽ dễ dàng phân biệt được thực chất của từng cái Tánh. Khi tánh xấu được tiêu trừ, tánh tốt được vun bồi, Tâm tự nhiên sẽ Bình, TỪ BI HỶ XẢ sẽ lộ ra, và chính Từ Bi Hỷ Xả sẽ giúp cho Thần Thức thăng hoa và tìm về một nơi chốn an lành, tốt đẹp theo ý muốn của Thần Thức đó khi xả bỏ báu thân này.

Tầm Quan Trọng Của Việc Sửa Tánh

Mục đích của việc tu tập là thoát vòng Sanh Tử Luân Hồi. Muốn được như vậy thì phải đoạn lìa Vòng Nghiệp Lực, tức là phải Bình Tâm – phải Chỉnh Ý – phải Sửa Tánh. Người tu tập chân chính phải luôn kiểm soát Tâm - Ý - Tánh của mình, tích cực trong việc triệt tiêu tánh xấu để chỉ còn lại tánh tốt. Khi chỉ còn lại tánh tốt thì đương nhiên cái Tâm sẽ Bình. Không phải ngồi một chỗ để tìm cái định trong khi tánh chưa sửa, ý còn loạn động.

Đa số chúng sanh hiện nay, kể cả người xuất gia đều rớt vào trường hợp này: không sửa tánh. Cho nên thiền sư này, thiền sư kia, có nhiều chục năm học hỏi nghiên cứu, nhưng cuối cùng rồi vẫn không đem lại kết quả vào phút lâm chung, là bởi vì tất cả đều là gán ghép, không có được một nền móng Tâm - Ý - Tánh vững chắc.

Thí dụ như bây giờ đào một cái hố lên, rồi thì đổ đất đá vào trong đó, dộng cho cứng cái nền, sau đó rồi tráng một lớp xi măng, thì sẽ có được một cái móng chắc chắn. Còn bây giờ chỉ lấy gạch để xuống đất, rồi thì cho vách tường lên để xây nhà thì tới một lúc nào đó đất sẽ dần bị sụp vì sự chuyển động của đất, và rồi đồ đạc trong nhà trì xuống nếu không có đặt nền móng vững chắc.

Đường tu tập thật sự ra vô cùng đơn giản, đó chính là "sám hối, tu tâm và sửa tánh". Có những điều vô cùng căn bản và đơn giản, nhưng chúng sanh lại bỏ qua để đi tìm những thứ phức tạp hơn. Chẳng hạn, một chiếc chìa khóa quan trọng đang nằm ngay trước cửa nhà mình, nhưng thay vì dùng nó để mở cửa, chúng sanh lại lặn lội đi tìm một người thợ khóa làm một chiếc chìa khóa mới, tốn tiền, tốn công và khó khăn hơn nhiều, trong khi chiếc chìa khóa đúng kích thước, cần thiết nhất, lại đang ngay trong tầm tay. Cho nên chúng sanh thường có tinh thần vọng ngoại là như vậy đó. Cái gì mà ở xa xa thì cho là quý lắm. Đồ này là "hàng ngoại đó", quý lắm! "Hàng nội" thì không có quý.

Đa phần chúng sanh không đủ can đảm để quán chiếu cái tánh của họ, hoặc là lười biếng, hoặc tự cho rằng mình không có tánh xấu cần phải sửa. Nếu họ có kiểm soát cái tánh của họ thì họ sẽ thấy rằng Tánh Ngã Mạn bàng bạc ở trong rất nhiều những suy nghĩ và hành động của họ. Bởi chấp ngã nên họ ưa thích nào là những tạng kinh điển lớn, những từ ngữ xa vời: như là "tỉnh thức", như là "vô vi", như là "giác ngộ", như là "chứng đắc" v.v…Trong khi những từ ngữ như "tu tâm", "sửa tánh" thì nghe quá ư là bình dị. Bởi không chịu tư duy về cái tánh của mình, cho nên cái Ngã trở thành rào cản lớn nhất trong vấn đề tu tập khiến họ không tiến được, cứ dậm chân tại chỗ.

Kết Luận

Tỉnh Thức không phải là một từ ngữ rỗng không có ý nghĩa. Nó cần được hiểu đúng đắn như là một quá trình kiểm soát tâm, ý, tánh trong mọi hoàn cảnh. Đừng bao giờ dùng những từ ngữ thiếu tượng hình, vì khi có tượng hình thì nó mới nhắc nhở được mình, nhất là trong vấn đề tu tập.

Trong đời sống, việc kiểm soát tâm, ý và tánh giúp duy trì sự hài hòa trong mọi mối quan hệ, cân bằng trong môi trường xung quanh và ứng xử khéo léo trong giao tế. Trong khía cạnh tu tập, khi biết kiểm soát ý, thì mới có thể khởi sinh tư duy sáng suốt. Nhờ có tư duy, mới phân biệt đúng sai, thiện ác. Tiếp đó, kiểm soát tánh giúp mình nhận ra và sửa đổi những thói quen chưa tốt.

Tỉnh thức đích thực nằm ở việc chỉnh sửa tâm, ý, tánh - giống như xây dựng một ngôi nhà vững chắc cần phải có nền móng. Căn bản tu tập bước đầu là phải sửa tánh, chớ bước đầu không thể là luyện Tâm Bình được. Nếu chưa sửa tánh thì không thể có được Tâm Bình. Khi tánh xấu được triệt tiêu thì sẽ được thay vào những tánh tốt, Tâm tự nhiên sẽ Bình, và đó mới chính là Tỉnh Thức đích thực - một trạng thái tâm bình thản, vững vàng trước mọi hoàn cảnh, dù thuận lợi hay trắc trở.


+ 4